Thực hiện đường lối Đổi mới do Đại hội Đảng VI khởi xướng năm 1986, sau 35 năm, Việt Nam đạt được những thành tựu quan trọng. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, diện mạo đất nước giờ đây có nhiều đổi thay, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân thực sự trở thành lực lượng quan trọng cùng cả nước tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong hành trình đó, Agribank cùng ngành Ngân hàng tạo điều kiện để mọi thành phần kinh tế được mở rộng vay vốn, sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, người dân trong sản xuất – kinh doanh.
Cùng ngành Ngân hàng, Agribank luôn luôn xem trọng lợi ích của doanh nghiệp vì doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng mới phát triển. Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn khó khăn và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, trong hơn 33 năm qua, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, tiên phong triển khai mạnh mẽ các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng khách hàng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ sản xuất và cá nhân… Sự đồng hành, hợp tác, gắn kết giữa Agribank và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân làm nên sức mạnh tổng hợp, hình thành nên các thương hiệu quốc gia, khẳng định sức mạnh và giá trị Việt trên trường quốc tế, có đóng góp tích cực, quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế – xã hội đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chính sách tiền tệ quốc gia và các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tiền tệ, ngân hàng, nhất là chính sách tín dụng; ngay từ thời điểm đầu năm 2020 khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát trong nước, thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, NHNN, Agribank đã nhanh chóng vào cuộc thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 bao gồm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới… theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN. Tính đến 23/9/2021, dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Agribank hơn 222.000 tỷ đồng. Đến nay, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 10.714 khách hàng với dư nợ (gốc và lãi) là 26.086 tỷ đồng; miễn giảm lãi cho 1.466 khách hàng với dư nợ được miễn, giảm lãi là 3.717 tỷ đồng.
Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường, mỗi năm bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank vẫn dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Trước thực trạng “đuối sức”, có nguy cơ khó phục hồi của các doanh nghiệp, chung tay cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cộng đồng, Agribank đã tích cực, chủ động, kịp thời triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng, doanh nghiệp, trở thành điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp, doanh nhân. Chỉ tính riêng trong năm 2020, Agribank đã tiên phong 7 lần giảm lãi suất cho vay trong đó có 4 lần giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; 9 lần giảm phí dịch vụ; đồng thời triển khai các chương trình tín dụng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5% – 2,5% so với trước khi có dịch bệnh Covid-19 để đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng khách hàng. Tính cả năm 2020 và hết 9 tháng đầu năm 2021, Agribank đồng loạt triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, đến nay, việc thực hiện giải ngân các chương trình này đang phát huy hiệu quả. Hàng chục nghìn khách hàng trong cả nước đã được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank, tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Kịp thời và thiết thực đến với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là chương trình tín dụng ưu đãi dành riêng cho đối tượng khách hàng này được triển khai từ đầu năm 2020 với quy mô 100.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn dưới 7%/năm, trung, dài hạn từ 6,5%, giảm đến 2,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường, cùng đối tượng. Agribank hỗ trợ vượt định mức với hơn 100.196 tỷ đồng, trong đó Cho vay doanh nghiệp đạt 87.238 tỷ đồng (chiếm 87% doanh số cho vay). Thực hiện chỉ đạo của NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ ngày 16/6/2021, Agribank nâng gấp đôi quy mô gói tín dụng này lên 200.000 tỷ đồng với chính sách lãi suất ưu đãi. Tính đến hết ngày 30/9/2021 đã giải ngân hơn 9.000 tỷ đồng cho gần 6.000 khách hàng, số lãi giảm cho khách hàng khoảng 60 tỷ đồng.
Tiếp theo đó, ngày 14/7/2021 vừa qua, Agribank tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19, trong đó giảm đến 10% lãi suất đối với các khách hàng còn dư nợ tại thời điểm 15/7/2021 và các khách hàng phát sinh dư nợ sau ngày 15/7/2021 đến 31/12/2021. Chỉ sau hơn 2 tháng triển khai, Agribank đã hạ lãi suất đối với dư nợ hiện hữu hơn 1 triệu tỷ cho hơn 3,1 triệu khách hàng.
Đối với các khách hàng doanh nghiệp lớn, Agribank triển khai gói tín dụng ưu đãi 35.000 tỷ đồng (15.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn và 20.000 tỷ dồng đối với cho vay trung và dài hạn bằng VND) từ tháng 10/2020, với mức lãi suất ưu đãi tối thiểu 3,7%/năm áp dụng tùy theo từng giải kỳ hạn đối với cho vay ngắn hạn và tối thiểu 7%/năm đối với cho vay trung, dài hạn. Đến nay, số khách hàng được ưu đãi là 86 khách hàng. Do thời gian giải ngân ưu đãi dành cho cho vay ngắn hạn đã hết nhưng nhu cầu của khách hàng vẫn còn cao, nên Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng lớn từ ngày 01/3/2021; sau 06 tháng đã giải ngân được 18.452 tỷ đồng, với dư nợ ưu đãi là 11.313 tỷ đồng, số khách hàng được hỗ trợ từ đầu chương trình là 211 khách hàng.
Là thành phần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, DNNVV luôn là đối tượng khách hàng chiến lược của Agribank; được Agribank ưu tiên dành một nguồn lực lớn để xây dựng các chính sách, sản phẩm đáp ứng nhu cầu của các DN. Ngày 01/10/2020, Agribank triển khai gói tín dụng ưu đãi với quy mô lên đến 30.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay ưu đãi từ 4,8%/năm – 7,5%/ năm tùy theo kỳ hạn để cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau 09 tháng triển khai, đến hết ngày 30/6/2021, đã có 119 DNNVV được tiếp cận chương trình tín dụng ưu đãi này của Agribank, doanh số cho vay đạt gần 1.200 tỷ đồng. Ngay khi chương trình tín dụng này kết thúc vào ngày 30/6/2021, nhận thấy các DNNVV vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, Agribank tiếp tục dành 30.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng ưu đãi “Agribank đồng hành và phát triển cùng Doanh nghiệp SMEs”, trong đó 10.000 tỷ đồng dành cho vay ngắn hạn và 20.000 tỷ đồng dành cho vay trung, dài hạn. Đến 30/9/2021, Agribank đã giải ngân 700 tỷ đồng với 110 khách hàng.
Với đối tượng khách hàng xuất nhập khẩu, Agribank triển khai chương trình ưu đãi với quy mô 15.000 tỷ đồng và 30 triệu USD, mức cho vay thấp nhất đối với VNĐ là 3,5%/năm, đối với USD là 1,7%/năm vừa được triển khai trong tháng 06/2021, doanh số giải ngân đến 30/9/2021 đạt 2.480 tỷ đồng và 109 triệu USD với 216 khách hàng được hỗ trợ.
Đánh giá vai trò quan trọng cũng như nhu cầu lớn của nhóm khách hàng doanh nghiệp FDI, Agribank đã dành những sự ưu tiên đối với nhóm khách hàng này bằng việc triển khai các chương trình ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI kinh doanh tại Việt Nam với quy mô 5.000 tỷ đồng và 150 triệu USD được triển khai từ tháng 07/2020 lãi suất cho vay dưới 4,8%, sau một năm triển khai, doanh số giải ngân đến 31/7/2021 đạt 1.272 tỷ đồng và 74 triệu USD.
Riêng với ngành lúa gạo – lĩnh vực hoạt động trọng tâm của Agribank, hoạt động tín dụng của Agribank đã đầu tư tích cực cho lĩnh vực này trong những năm gần đây, doanh số cho vay ngành lúa gạo của Agribank đạt gần 250.000 tỷ đồng trong giai đoạn từ 2016 – 2020. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực, gây ách tắc và làm đứt gẫy chuỗi cung ứng sản xuất, phân phối, lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu lúa, gạo, đặc biệt tại khu vực ĐBSCL. Trước tình hình đó, Agribank đã chỉ đạo các chi nhánh trong khu vực chủ động nắm bắt nhu cầu vốn của khách hàng, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, thương nhân có nguồn vốn thu mua lúa gạo. Trong 7 tháng đầu năm 2021, Agribank đã giải ngân hơn 17.600 tỷ đồng với hơn 12.000 khách hàng vay vốn thu mua, tạm trữ và xuất khẩu thóc gạo.
Vừa qua, trong tháng 9/2021, để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân khu vực phía Nam giảm thiểu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh kéo dài, Agribank tiếp tục dành 30.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ khách hàng tại 19 tỉnh, thành phía Nam. Với gói hỗ trợ này, Agribank giảm lãi suất tối thiểu 0,5%/năm, được áp dụng trong 12 tháng kể từ ngày giải ngân đối với khách hàng vay vốn tham gia vào một trong các khâu của chuỗi sản xuất, cung ứng như: thu mua, chế biến, vận chuyển, phân phối thuộc các lĩnh vực ưu tiên: nông sản, thủy, hải sản, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu và các hoạt động phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chỉ sau 01 tháng triển khai, đã giải ngân 105 tỷ đồng với 88 khách hàng. Bên cạnh đó, để hỗ trợ tối đa cho khách hàng, Agribank cũng đã triển khai chính sách miễn 100% phí dịch vụ thanh toán, bao gồm cả phí dịch vụ liên quan đến hoạt động cho vay đối với tất cả khách hàng tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Song song với đó, kể từ tháng 5/2021, Agribank đã triển khai chính sách miễn giảm phí dịch vụ thanh toán trong nước đối với tất cả khách hàng có tài khoản thanh toán tại Agribank, nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid phức tạp như hiện nay và hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn trong đại dịch cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tiết giảm chi phí, dồn sức và lực để phục hồi kinh doanh sản xuất.
Sự gắn bó đồng hành thủy chung giữa Agribank và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vượt qua bão Covid-19, để khôi phục và phát triển nền kinh tế Việt Nam; qua đó tiếp tục góp phần hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển và trở thành động lực phát triển đất nước, cùng nhau xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế chung cho Việt Nam trong những giai đoạn phát triển mới.