Thử thách địa phương, giải pháp toàn cầu.

August 15, 2021

LTS: Năm ngoái, Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu – AVSE Global- đã tổ chức cuộc thi về đổi mới sáng tạo mang tên Hack4Growth. Năm nay, AVSE Global tổ chức mùa thi thứ hai – Hack4Growth-Unlimited – với khẩu hiệu “START LOCAL – RISE REGIONAL – GROW GLOBAL”.

Ban tổ chức đã thu thập các ý kiến từ gần 30 tỉnh thành tại Việt Nam, đưa các vấn đề trở thành đề bài của cuộc thi, như giải pháp cho quá trình chuyển đổi số đối với doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển sản phẩm địa phương, thương mại điện tử… Là một thành viên của AVSE Global, TS. Võ Đình Trí nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc chú trọng giải quyết các vấn đề nhỏ, mang tính địa phương, làm nền tảng thúc đẩy các mục tiêu to lớn hơn.

Theo ông Võ Đình Trí, là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cần rất nhiều nguồn lực và giải pháp để tìm lời giải cho các thử thách của mình. Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2019 đã cổ vũ cho cách tiếp cận từ các vấn đề nhỏ, cụ thể, trong một phạm vi giới hạn. Chính vì vậy, các thử thách của địa phương cũng dần trở thành ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, và giới nghiên cứu.

KTSG: Theo quan điểm của ông thì động cơ, yếu tố tác động chính đến việc giải quyết các vấn đề nhỏ mang tính địa phương là gì?

– TS. Võ Đình Trí: Ngày nay, khoa học công nghệ đã trở thành lõi của sự phát triển trong hầu hết các lĩnh vực. Thậm chí điều này có thể thấy trong các lĩnh vực khoa học xã hội như giáo dục, du lịch, thương mại. Chẳng hạn như giáo dục trên khắp thế giới ngày nay cần công nghệ hỗ trợ để tăng hiệu quả giao tiếp trực tuyến, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 với những giãn cách xã hội.

Với Việt Nam, các vấn đề trong giáo dục như cải thiện khả năng học ngoại ngữ qua công nghệ, tăng khả năng học đi đôi với hành nhờ các ứng dụng mô phỏng, rút ngắn khoảng cách về điều kiện tiếp cận giữa các đô thị với các vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.

Du lịch, thương mại là thế mạnh của nhiều địa phương, cũng cần các giải pháp sáng tạo công nghệ để phần giá trị gia tăng được nhiều hơn. Các địa phương có lợi thế về du lịch hiện vẫn đang gặp khó khăn trong bài toán thu hút, giữ chân, khuyến khích du khách tăng chi tiêu vì lộ trình chưa được tối ưu, việc quảng bá hình ảnh và kết nối với thế giới còn rất hạn chế.

Lấy một ví dụ là các chiến dịch quảng bá du lịch hiện nay cũng phải dùng đến công nghệ marketing để làm sao tối ưu tiếp cận người đọc có những đặc điểm về độ tuổi, thu nhập, sở thích tương ứng, tối ưu từ khóa. Còn về thương mại điện tử, liên kết chuỗi giá trị và logistics thì nhiều địa phương chỉ như ở điểm xuất phát.

Các lĩnh vực khác gắn liền với khoa học công nghệ như chuyển đổi số, công nghệ thông tin và truyền thông cũng là một thử thách lớn đối với các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước ở địa phương, từ chi phí, tính tương thích, đến vấn đề bảo mật, quyền riêng tư. Các lĩnh vực khác cũng cần sự sự hỗ trợ của công nghệ như y tế, môi trường, nông nghiệp, quy hoạch đô thị;

KTSG: Vậy, theo ông, những giải pháp như thế nào mới gọi là tiềm năng và đủ hiệu quả cho các vấn đề trên?

– Không chỉ cần phải mang yếu tố công nghệ, các giải pháp cần mang tính thực tế, có thể thực hiện được và giải quyết các vấn đề hiện hữu. Việc thực hiện hóa các giải pháp cũng sẽ cần sự chung tay của rất nhiều người, không chỉ là các nhà sáng lập, các nhà đổi mới mà còn là người hướng dẫn, các nhà đầu tư… Tính kiên trì để hiện thực hóa giải pháp cũng như tính linh hoạt của giải pháp để luôn có thể bắt nhịp với các thay đổi toàn cầu cũng giữ vai trò quan trọng không kém.

KTSG: Như vậy, các nhà sáng lập, nhà đổi mới trẻ mong muốn giải quyết các vấn đề trên cần phải lưu ý những gì?

– Tính kiên trì thôi là chưa đủ. Họ cần phải bắt kịp với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế và nắm bắt các cơ hội đang có. Tại Việt Nam hiện nay, có rất nhiều cơ hội đang mở ra để tìm kiếm các sáng kiến trẻ đột phá và tiềm năng..

Nguồn: SaigonTimes