Trong hơn 5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có khoảng hơn 500 nghìn người là chuyên gia, trí thức sống ở khắp các vùng lãnh thổ và châu lục.
Doanh nhân, trí thức NVNONN được khẳng định đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối đưa hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy hợp tác khoa học kỹ thuật, kết nối với các chuyên gia, các nhà khoa học, viện nghiên cứu công nghệ quốc tế, là cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với các nước bạn bè năm châu. Thu hút nguồn lực của các chuyên gia này là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.
Tại hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về kết quả 5 năm thực hiện chỉ thị 45 về phát triển đất nước trong tình hình mới” do Ủy ban Nhà nước về NVNONN chiều 26/11, nhiều kiều bào đã đưa ra các kiến nghị để phát huy nguồn lực trí thức kiều bào.
Thành lập tập đoàn khoa học công nghệ tư nhân
Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Quốc Sỹ, kiều bào Nga, Viện trưởng Viện Công nghệ VinIT cho biết, việc kiều bào tham gia vào lĩnh vực khoa học công nghệ trong nước gặp nhiều khó khăn với 5 cái “thiếu”: Thiếu cơ chế chính sách cụ thể để kiều bào tham gia các dự án khoa học công nghệ, thiếu bộ máy tổ chưc triển khai hiệu quả tại chỗ; thiếu kinh phí đầu tư, trang thiết bị chuyên dụng; thiếu sự trân trọng, tôn vinh cầu thị đầy đủ trên thực tế đối với tri thức kiều bào; thiếu xác định nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ cụ thể để kiều bào có thể tham dự.
Ông cho biết: Ở nước ngoài lĩnh vực khoa học công nghệ được đầu tư nhưng lúc nào cũng cảm thấy thiếu, thì tất nhiên ở VN càng thiếu là đương nhiên. “Nhưng chúng ta có thể tập trung mũi nhọn, cụ thể chứ không dàn trải. Nhiều phòng thí nghiệm đầu tư dàn trải, nhiều đề tài nghiên cứu nghe xót xa vì không đi đến đâu, lãng phí tiền của của nhân dân, thời gian của nhà khoa học, nếu sử dụng hợp lý nguồn lực trang thiết bị con người, tài chính thì vẫn làm được nhiều việc”. Ông Sỹ đã tham khảo danh mục hàng trăm đề tài nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, song ông nhận thấy nhiều đề tài tính ứng dụng thấp, lặp đi lặp lại.
Từ thực tế đó, ông Nguyễn Quốc Sỹ đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó có việc cho phép hỗ trợ và xây dựng các tập đoàn khoa học công nghệ tư nhân mạnh, với mô hình tổ chức mới hiệu quả, chủ động trong tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, tạo điều kiện làm việc và phát huy khả năng sáng tạo của lực lượng tri thức kiều bào cho đất nước, làm đầu tàu cho phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ngoài ra, ông đề xuất cho phép các nhà khoa học đầu ngành và chuyên gia cao cấp là trí thức kiều bào làm chủ nghiệm các đề tài nghiên cứu khoa học trọng điểm, dưới sự chủ trì của nhà nước và các bộ ban ngành.
Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng, các quốc gia, vùng lãnh thổ xung quanh Việt Nam như Singapore, Đài Loan, Thái Lan đều đã thành công trong nhiều lĩnh vực nhờ đầu tư vào khoa học công nghệ, và đầu tư có trọng điểm trong từng thời điểm.
“Khi được cởi bỏ một số khó khăn sẽ có hiệu ứng domino giúp Việt Nam chúng ta cất cánh”- ông nói.
Cần môi trường làm việc chuyên nghiệp, cạnh tranh
Làm sao thu hút quyền lực mềm – nhân tài nhân lực kiều bào từ khắp thế giới – đó là những đề xuất của chị Nguyễn Thị Hải Thanh Giám đốc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) tại Việt Nam, chuyên gia blockchain (Singapore, Thái Lan).
AVSE Global đã thành lập được 10 năm và là một trong những mạng lưới lớn nhất kết nối trí thức Việt kiều với khoảng 10.000 thành viên trên toàn cầu. “Rất nhiều bà con trí thức kiều bào luôn hướng về quê hương và khát khao đóng góp cho đất nước. Tuy nhiên rào cản về môi trường làm việc, tính chuyên nghiệp, minh bạch về cơ chế và nhất là thiếu môi trường, nền tảng giúp kết nối với những người đồng cấp có cùng chí hướng khiến cho nhiều trí thức vẫn chưa thể toàn tâm toàn ý phục vụ cho công cuộc phát triển đất nước” – chị Hải Thanh nói.
Từ đó, Giám đốc AVSE Global Vietnam đề xuất cần phát triển môi trường làm việc chuyên nghiệp, cạnh tranh, minh bạch và kết nối giữa các chuyên gia và nhà khoa học, bên cạnh cơ chế đãi ngộ hợp lý. Chị Hải Thanh cho rằng việc kết nối hiện nhỏ lẻ, không đồng bộ, nếu kết nối được thành cộng đồng thì chuyên gia trí thức Việt kiều có thể đóng góp nhiều hơn.
Ngoài ra, chị Hải Thanh cũng đề nghị xác định mũi nhọn phát triển và lợi thế cạnh tranh của Việt Nam về nhân lực. Từ đó mới có thể đề ra những trọng tâm chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho đào tạo (đặc biệt là đào tạo về công nghệ và kỹ thuật), thu hút và phát triển đổi ngũ chuyên gia, tư vấn cao cấp. Việc xây dựng và nâng cao uy tín của việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển cũng sẽ giúp thu hút nguồn nhân tài chất lượng cao.
“Cần đặt trọng tâm vào việc nâng cao hàm lượng nghiên cứu, thu hút các công nghệ nguồn về Việt Nam và đặc biệt Nhà nước cần đóng vai trò tiên phong trong việc đầu tư nghiên cứu và thu hút chất xám trong các ngành công nghệ, giúp giảm bớt các rủi ro có liên quan và khuyến khích doanh nghiệp cũng như startup dấn thân vào các công nghệ mới” – chị Hải Thanh nói, trong lĩnh vực này, Trung Quốc là một ví dụ về việc chính phủ bước đi đầu tiên chấp nhận rủi ro về thị trường, từ đó mới tạo động lực thu hút các doanh nghiệp công nghệ.
“AVSE Global mong muốn được tiếp tục chia sẻ tầm nhìn và triển khai hợp tác với các đơn vị đối tác để thúc đẩy kinh tế số, đổi mới sáng tạo ở Việt Nam và đưa đất nước trở thành tâm điểm trong bản đồ đổi mới sáng tạo toàn cầu” – đại diện của AVSE nêu nguyện vọng.
Đầu tư công nghệ: Cần tốc độ
Chia sẻ nhiều kinh nghiệm phát triển nguồn lực trí thức ở Việt Nam, Chị Lê Diệp Kiều Trang, du học sinh Mỹ, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư Alabaster chuyên đầu tư vào các công ty xây dựng giải pháp công nghệ cho các vấn đề toàn cầu, cho biết, lý do chị dấn thân vào lĩnh vực này bắt đầu từ thực tế: GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ xếp hạng thứ 120 – 130 trên thế giới, nhưng luôn xếp hạng top 10 trong các kỳ thi toán quốc tế, song các bạn trẻ này rất ít được sự ủng hộ.
Chị dã trở về Việt Nam mở cac công ty về công nghệ để thu hút nguồn nhân lực trong nước, và hiện giờ chị xác định hướng đi cho mình là đầu tư vào các công ty công nghệ toàn cầu.
“Điều tôi rút ra khi đầu tư công nghệ là không chỉ lợi ích tài chính mà cả về con người. Đầu tiên khi về VN tôi giúp đem thu nhập xứng đáng cho trí thức. Một thời gian sau Họ trở thành người sáng tạo cho các ngành khác. Cái hay của các công nghệ này là có thể hỗ trợ ngành công nghiệp khác, không phải mua từ nước ngoài, làm chuỗi cung cấp vững mạnh hơn”.
Chị Trang cho biết, thay vì đầu tư cho công ty ở Việt Nam thì chị chọn cách đầu tư cho công ty ở nước ngoài đã có sẵn phát minh sáng tạo và đem sáng tạo đó về Vviệt Nam giúp thương mại hóa, từ đó giúp phát triển đội ngũ trí thức ở Việt Nam.
Chị Kiều Trang cho rằng, đầu tư vào công nghệ phải chú trọng đến tính tốc độ. Đưa khoản đầu tư về Việt Nam thường bị chậm trong việc triển khai, không phải ai làm khó mình mà ở Việt Nam mọi người nghĩ chậm mà chắc. Nhưng trong côcng nghệ chậm chắc chắn là mất. Chậm 3 -6 tháng là đối thủ bắt kịp mình” – cựu CEO Facebook tại Việt Nam nói. “Mong mọi ngưuời cởi mở hơn về đầu tư công nghệ. Làm chắc là đúng nhưng đừng chậm, chậm không làm công nghệ được”.
Mỹ Hằng – Báo Dân Việt
Trí thức Việt kiều hiến kế để Việt Nam cất cánh (danviet.vn)